Nhà văn, nhà báo Tô Nguyệt Đình tên thật là Nguyễn Bảo Hóa, sinh năm 1920, mất năm 1988, quê ở làng Phước Lễ (nay là TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hầu hết các tác phẩm của ông đều thể hiện tinh thần yêu nước, chống đế quốc xâm lược.
Cuộc biểu tình “Ngày Ký giả đi ăn mày” do Tô Nguyệt Đình làm tổng chỉ huy.
Tô Nguyệt Đình chập chững bước vào nghề báo, ông làm cộng
tác viên của báo Điện Tín và Dân Báo. Những năm sau đó ông trở thành nhà báo tự
do cộng tác với nhiều tờ báo lớn như Tiếng Chuông, Tiếng Việt, Sài Gòn Mới,
Thần Chung, Dân Quyền, Lạc Việt... Ngoài bút danh Tô Nguyệt Đình ông còn có
nhiều bút danh khác như Thanh Tuyền, Tiêu Kim Thủy.
Là một trí thức tiến bộ, ông luôn hăng hái tham gia các
phong trào yêu nước ở đô thị. Lấy tên thật là Nguyễn Bảo Hóa, ông cùng với các
nhà văn Thiên Giang, Bùi Đức Thịnh, Bằng Giang... viết rất nhiều bài đăng báo
Tiếng Chuông chỉ rõ âm mưu tha hóa quần chúng bằng văn hóa phẩm khiêu dâm đồi
trụy của chế độ thực dân xâm lược. Tô Nguyệt Đình xác định, văn học nghệ thuật
là một mặt trận trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ sĩ phải tích cực tham gia vào
công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng ngòi bút của mình. Ông viết nhiều
thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, biên khảo, chính luận, phóng sự điều
tra... mà nội dung của các tác phẩm đều thể hiện tinh thần yêu nước và cách mạng.
Năm 1949, Nhà Xuất bản Lửa Sống ở Sài Gòn đã ấn hành tác
phẩm biên khảo Nam Bộ Chiến Sử của Tô Nguyệt Đình viết về cuộc chiến tranh xâm
lược của thực dân Pháp ở Nam Kỳ lục tỉnh và các phong trào khởi nghĩa
chống Pháp của nhân dân Nam Bộ (1859 - 1868). Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm là
khích lệ tinh thần yêu nước của quần chúng, động viên quần chúng tiếp tục chiến
đấu chống quân xâm lược giành độc lập tự do. Tác phẩm này đã gây được dư luận
trong quần chúng và tác động sâu rộng đến các phong trào đấu tranh yêu nước
khiến nhà cầm quyền thực dân phải ra lệnh thu hồi.
Sau Hiệp định Gieneve, đế quốc Mỹ thay chân Pháp nhảy vào
Việt Nam, dựng lên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm để chia cắt Việt Nam lâu
dài. Ở Miền Nam phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình, thực hiện tổng tuyển cử
tự do, chống đế quốc Mỹ xâm lược diễn ra mạnh mẽ. Được sự chỉ đạo của Thành ủy
Sài Gòn, Tô Nguyệt Đình đã cùng với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Huy Thông,
Trần Hữu Trang, Nguyễn Văn Hiến, Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương... trực tiếp tham gia
đấu tranh chính trị trên các lĩnh vực báo chí truyền thông, văn hóa văn nghệ.
Cùng với Văn Phụng Mỹ, Trang Thế Hy, Tô Nguyệt Đình phụ trách tuần báo Hừng
Sáng, tập hợp các tác giả tiến bộ viết bài đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô
Đình Diệm và chỉ rõ ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ ở Miền Nam. Cuối năm 1956, Tô
Nguyệt Đình cùng với Thanh Nhã, Thẩm Lệ Hà lập Nhà Xuất bản Lá Dâu để xuất bản
các ấn phẩm yêu nước tiến bộ. Đồng thời Tô Nguyệt Đình tham gia biên tập cho
Nhà Xuất bản Sống Mới do cơ quan lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Đảng lập ra.
Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ra đời, cuộc
chiến tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng diễn ra quyết liệt. Chính
quyền Nguyễn Văn Thiệu ban hành luật 007 nhằm bóp nghẹt tự do báo chí, đàn áp
các nhà báo và văn nghệ sĩ yêu nước và cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng,
một Ủy Ban đấu tranh đòi quyền tự do báo chí được thành lập. Ngày 10/10/1974,
Ủy ban đấu tranh đòi quyền tự do báo chí phối hợp với đại diện các đoàn thể hợp
pháp như Hội Chủ Báo, Hội Ký Giả Việt Nam, Hội Ký giả Nam Việt Nam, Hội Ái Hữu
Ký Giả, lực lượng sinh viên, Ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Người Lao động, Mặt trận
Nhân dân Cứu đói, tổ chức cuộc xuống đường gọi là “Ngày Ký giả đi ăn
mày”. Tô Nguyệt Đình được cử làm tổng chỉ huy cuộc biểu tình này. Cuộc xuống
đường với hàng trăm nhà báo dẫn đầu đã thu hút sự chú ý của dân biểu, nghị sĩ
đối lập, báo chí phương Tây cũng như đông đảo đồng bào ở trung tâm Sài Gòn. Các
hãng thông tấn lớn như UPI, AFP, Reuters của Mỹ, Pháp, Anh đều đưa tin rầm rộ,
tạo dư luận trên toàn thế giới.
Sau cuộc xuống đường “Ngày Ký giả đi ăn mày”, mật thám
Sài Gòn ráo riết truy lùng Tô Nguyệt Đình nên ông phải rút vào hoạt động bí
mật. Tuy không thể trực tiếp xuất hiện trong các cuộc đấu tranh nhưng Tô Nguyệt
Đình vẫn viết báo và sáng tác nhiều tác phẩm mang tinh thần yêu nước và cách
mạng.
Ngày 17/5/1988, ông qua đời ở TP.Hồ Chí Minh, thọ 68
tuổi, an táng tại Long Hương, TP.Bà Rịa. Di sản Tô Nguyệt Đình để lại bao gồm
hàng ngàn bài báo yêu nước và hơn chục tác phẩm thuộc các thể loại tiểu thuyết,
truyện ngắn, nghiên cứu, biên khảo.
Trần Quang Vinh
https://baobariavungtau.com.vn/
Báo
Bà Rịa – Vũng Tàu