Khi là học sinh, tôi không biết gì ngoài chuyện sách vở, ôn thi. Mọi thứ đã thay đổi từ khi tôi trở thành sinh viên. Tôi khao khát được biết nhiều hơn về những chuyện xảy ra hằng ngày, mong muốn khám phá sâu hơn về lĩnh vực mình đam mê. Những tri thức khoa học, kỹ năng sống, thông tin về con người và cuộc sống hàng ngày luôn gây cho tôi sự tò mò, hứng thú một cách lạ thường. Và một lần nữa, tôi rơi vào sự hoang mang và nghi vấn về những điều tôi thấy, nghe, đọc, phần vì có quá nhiều thông tin, hướng nhìn cho một câu chuyện xảy ra, phần vì tôi chưa có kỹ năng trong việc nhận diện và thẩm định thông tin sao cho đúng đắn. Và ắt hẳn rằng, không chỉ riêng tôi mà hầu hết những sinh viên khác hay đa phần học sinh đều mong tìm kiếm thông tin chính thống nhưng vẫn đang mắc kẹt trong việc tìm sai nguồn thông tin dẫn đến tư duy thiên lệch, tốn thời gian và hiệu quả không cao trong công việc và học tập.
Ở trường đại học, tôi được dạy rằng, hãy luôn trở thành một người “đói” thông tin và tôi nghĩ đó là điều đầu tiên bạn cần rèn luyện cho mình. Đói - là luôn mong muốn tìm hiểu trong một ngày có những điều gì đã xảy ra; đói - là bạn không chấp nhận dừng lại ở một góc nhìn hay tình tiết chỉ ở bề mặt câu chuyện; và đói - là bạn luôn đặt mình trong một tâm thế tiếp thu cái mới, cái lạ, cái khác biệt. Vì sự tò mò một cách say mê mới tiếp cho bạn động lực đề đọc và đào sâu một vấn đề.
Điều quan trọng thứ hai, bạn hãy luôn ghi nhớ thư viện là gốc rễ của mọi thông tin. Bởi lẽ, những tài liệu ở thư viện là tập hợp của những bộ óc thời đại và nhiều tác giả vô cùng tâm huyết. Thư viện lưu giữ thông tin cổ xưa mang tính lịch sử và đã được minh định qua nhiều thế hệ, bên cạnh đó còn luôn cập nhật những cuốn sách mới nhất, phù hợp với mọi thế hệ bạn đọc. Vì vậy, mỗi khi tìm kiếm thông tin ở thư viện, tôi luôn có cảm giác an tâm và tin cậy. Điều đó có nghĩa tài liệu ở thư viện tạo cho bạn một kiến thức nền tổng quát và chung nhất về các vấn đề mà bạn muốn nghiên cứu, để từ đó khi tiếp cận một luồng thông tin mới, các bạn sẽ không cảm thấy quá mới lạ, khó tiếp thu, ngược lại sẽ có cơ sở để phân tích và hiểu nó cặn kẽ hơn.
Gần đây tôi thường thấy chúng ta hay quan tâm tới một khái niệm fake news (tin giả). Tôi và các bạn của tôi nhiều lần tranh luận nảy lửa với nhau về một thông tin nhưng lại có nhiều góc nhìn, nhiều ý kiến gây tranh cãi dẫn tới hoài nghi. Các bạn đã từng như thế, đã đọc một ý kiến ở tờ báo này nhưng lại thấy một quan điểm ở tờ báo khác, hay những nhận xét ở mạng xã hội như Facebook làm ta phân vân đôi khi “ném đá” một hiện tượng? Điều cần làm ngay lúc đó là bạn hãy tập thói quen kiểm tra nguồn tin bạn đọc là từ đâu, những báo đưa tin chính thống trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, Vietnamnet... hay báo nước ngoài như BBC, CNN... thường đưa tin đáng tin cậy hơn là một trang web vô danh nào đó với cái tên rất kêu như Tin Giật Gân. Những nguồn tin chính thống thường có khâu kiểm tra tin tức gắt gao trước khi đăng tải. Vì vậy, độ tin cậy của những tin tức này thường cao hơn. Thêm vào đó, bạn hãy chủ động đọc nhiều tờ báo về một vấn đề để thấy những góc nhìn khác nhau, những khám phá khác biệt, góc riêng, cái hay cái mới cũng như cái phiến diện của tin tức bạn tiếp cận, hơn hết đừng chỉ tin vào những tên bài báo hấp dẫn hay “giật tít” mà hãy đọc xem nội dung bài báo có gì. Từ đó, một thông tin nho nhỏ bạn có thể có cũng cho mình những kiến thức hữu ích và khả năng phản biện được đẩy lên cao nhất. Đó không chỉ là phương pháp kiểm chứng thông tin hiểu quả mà còn tập cho bạn kỹ năng kích thích tư duy. Và đừng quên cố gắng bám sát những diễn biến của tin tức cho tới khi nó kết thúc, quá trình đó giúp bạn ổn định trong một hoàn cảnh bất ổn, cho bạn thời gian để ngẫm nghĩ nhiều hơn về tin tức đó.
Hoàng Đào Nhật Ánh
Không chỉ dừng lại ở việc đọc và thẩm định tin tức, người đọc thông minh còn là người biết cách vận dụng những điều mình trông thấy hỗ trợ cho công việc cũng như việc học tập của bạn thân. Như đọc thấy một vụ tai nạn do tài xế chạy ẩu, bạn có ngay một kinh nghiệm đi đường, hay một bài viết về việc giáo viên phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bạn ngẫm ra đạo đức nghề giáo... Đặc biệt, trong thế giới phẳng, khi mà ranh giới giữa công nghệ và con người không còn khoảng cách, chúng ta được dẫn dắt và định hướng bởi nhiều nguồn thông tin khác nhau, điều đó không tránh khỏi hiện tượng bão hòa tin tức. Nhưng nếu có phương pháp khai thác thông tin trên Internet một cách hiệu quả, bạn không chỉ là một người đọc thông minh, bạn còn là người đọc tỉnh táo!
Tác giả: Hoàng Đào Nhật Ánh